Xin giới thiệu cùng quý khách năm loại bánh bánh đặc sản của miền tây nam bộ không thể bỏ qua khi quý khách đi du lịch miền tây phải nếm thử.
1. Bánh lá mít
Một loại bánh dân dã của người xưa nay trở thành đặc sản miền Tây. Xuất xứ từ ông bà xưa ờ làng quê trong những thời kỳ đất nước còn chiến tranh và thiếu thốn. Món bánh này có tên như thế vì sau khi nhào, nặn, người làm trét một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Khi thưởng thức, người ta tách bánh ra khỏi lá mít, cho vào đĩa rồi chan ngập nước dừa, đậu phộng lên trên. Người ăn dùng đũa hoặc dĩa lấy từng miếng bánh cùng nước cốt dừa cho vào miệng nhai từ từ. Vị béo, ngọt của nước cốt dừa, vị dai dai của bánh, mùi thơm thoang thoảng của lá mít kích thích mọi giác quan khiến mọi người ăn hết đĩa bánh vẫn còn thòm thèm.
2. Bánh lá mơ miền Tây
Một loại bánh dân gian cũng khá nổi tiếng ở miền Tây là bánh lá mơ. Bánh này được làm từ ba nguyên liệu chính là bột gạo, nước cốt dừa và lá rau mơ. Theo truyền thống, bánh lá mơ trong, có màu xanh đậm, hình dạng sợi dẹt, dài dài hoặc hình dáng tùy theo cách nắn bột của người làm. Cũng có người nắn bột thành những miếng tròn dẹt hay những sợi ngắn, xoăn lại như hình con nui và đem đi hấp cách thủy.
Ăn bánh lá mơ với nước cốt dừa trắng sẽ tạo cho người ăn cảm giác rất lạ, ngai ngái mùi lá mơ, beo béo của nước cốt dừa, ngọt ngọt của đường và thơm vị đậu phộng rang (hoặc mè rang). Bánh lá mơ khi ăn thì dai giòn và thơm đặc trưng mùi lá mơ. Bánh lá mơ được cho là loại bánh có tính mát vì được làm từ lá mơ (có tác dụng nhuận gan, thanh nhiệt, tiêu thực, sát khuẩn… dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy). Lá mơ là loại dây leo thường thấy mọc ở nông thôn. Loại lá này được xem là rau sạch, dùng để ăn sống hoặc xào, nấu canh. Sông nước miền Tây trù phú với nhiều loại cây dân gian này mọc đã khơi gợi sự sáng tạo của người dân, tạo nên loại bánh thơm ngon, nổi tiếng.
3. Bánh ống
Bột bánh ống được làm từ nguyên liệu chính là khoai mì và bột gạo. Hai loại bột này được trộn theo một tỷ lệ nhất định sao cho luôn ở trong tình trạng tơi, xốp. Khi có khách, người bán cho bột vào khuôn, đợi bánh chín (3-5 phút) lấy ra và đặt trên một chiếc lá chuối, sau đó cắt đôi bánh theo chiều dọc, cho thêm đường, dừa nạo vào rồi cuộn lại. Món bánh này ngoài vị ngọt của đường, vị béo của dừa, dai dai của khoai mì, còn thoang thoảng hương thơm của lá chuối.
4. Bánh tai yến
Ban đầu, người dân gọi là bánh tổ yến do hình dạng bên ngoài đặc biệt của bánh, sau đọc chệch thành tai yến. Bánh tai yến có thành phần, cách thức chế biến khá giống bánh xèo. Điểm khác duy nhất là động tác cho bột vào chảo dầu phải nhanh, dứt khoát để bột bám vào nhau thành hình tròn, không bị rây ra xung quanh. Thành phẩm của món bánh này có hình chiếc nón úp ngược với phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng.
5. Bánh ú nước tro Nam Bộ
Đây là loại bánh rất dân dã của người Nam Bộ nói chung, miền Tây nói riêng. Loại bánh này thường xuất hiện nhiều vào ngày Tết Đoan Ngọ hoặc ngày thường cũng có thể tìm thấy loại bánh này bánh khắp nơi như một món ăn sáng của nhiều người. Bánh còn gọi là bánh ú nước tro, là món bánh truyền thống của người Nam Bộ, đã có từ rất lâu đời. Bánh có hình chóp nón, to bằng nắm tay người lớn. Bánh ú nước tro được gói bằng lá tre hoặc lá chuối bên ngoài, bên trong là bột nếp và chính giữa là nhân đậu xanh. Bánh ú nước tro ăn dẻo, vị hơi ngọt, dễ ăn và không gây ngán. Bột bánh ú nước tro có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.
Chỉ kể sơ sơ như thế quý du khách cũng đã cảm nhận được vị ngọt của miền Tây rồi phải không nào? Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không liên lạc ngay với du lịch Thời Đại Việt để có được một hành trình trải nghiệm đầy thú vị và thưởng thức vị ngọt của miền Tây.Và cũng xin lưu ý quý du khách bài viết dưới đây chỉ kể tên 1 số loại bánh “ngọt” còn về bánh “mặn” chúng tôi xin gửi đến trong bài viết sau.